CẦN ĐƯA TRẺ ĐẾN CƠ SỞ Y TẾ NGAY KHI CÓ DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Tính đến ngày 27/8/2017 cả nước ghi nhận 54.737 trường hợp mắc Tay chân miệng tại 63 tỉnh thành phố, trong đó có 24.695 trường hợp nhập viện, không có trường hợp nào tử vong. Tại Hải Phòng, từ đầu năm đến nay Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận 1.346 trẻ vào điều trị bệnh Tay chân miệng. Điều đáng nói là nhiều trường hợp do cha mẹ thiếu kiến thức, không xử lý kịp thời nên khi đưa trẻ nhập viện thì tình trạng bệnh của trẻ đã chuyển sang giai đoạn nặng.
Cháu Đoàn Đắc P, 17 tháng tuổi ở thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, huyện An Dương vào viện trong tình trạng sốt, ban phỏng nước ở mông, 2 chân, lòng bàn tay, bàn chân… bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh chuyển độ từ độ 2a sang độ 2b nhóm 2, biến chứng viêm não. Cháu P đã được theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng theo phác đồ điều trị Tay chân miệng độ 2b nhóm 2: truyền pentaglobin…

 

Nguyên nhân gây bệnh và dấu hiệu nhận biết

 

Theo Ths. Bs Đỗ Thị Quỳnh Mai – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do chủng virut.
Bệnh Tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

Ths. Bs Đỗ Thị Quỳnh Mai cũng lưu ý, khi cha mẹ thấy con em mình có các dấu hiệu: Sốt trên 2 ngày hoặc có sốt trên 390C, li bì, ngủ gà, giật mình, run chi, đi loạng choạng, ngồi không vững, nôn ói nhiều, thở nhanh, thở mệt bất th¬ường, yếu liệt chi thì cần nghĩ ngay đến bệnh Tay chân miệng đã biến chứng nặng và cần đưa trẻ ngay tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

 

Chăm sóc trẻ bị Tay chân miệng đúng cách

 

Thực tế cho thấy, do thiếu kiến thức nên nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn bệnh loét miệng với tay chân miệng, tự điều trị tại nhà dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Không cách ly trẻ khi trẻ bị bệnh mà vẫn cho trẻ đến lớp nên làm cho bệnh lây lan. Vệ sinh răng miệng sai cách; ủ ấm con quá mức khi sốt cao cũng là những sai lầm mà cha mẹ thường mắc phải khi trẻ bị bệnh.Vì vậy các bác sĩ lưu ý cách cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng.
Thông thường trẻ bị tay chân miệng độ 1 với các biểu hiện: sốt nhẹ, các tổn thương da mức độ nhẹ, chỉ loét miệng ở bề ngoài, không biến chứng thì đều được chỉ định chăm sóc và điều trị tại nhà.
Đối với trẻ bị bệnh cần cách ly trẻ tại nhà:
+ Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh.
+ Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
+ Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.
+ Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
+ Chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn những món mà trẻ thích. Ăn thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm như cháo bột (kể cả trẻ lớn) vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng. Thức ăn nên để thật nguội, thậm chí có thể làm mát để trẻ dễ ăn, thức ăn nóng làm trẻ đau không nuốt được. Sau khi ăn cần súc miệng sạch sẽ và để trẻ nghỉ ngơi (nhịn hoàn toàn) trong 3- 4 giờ sau đó mới cho ăn bữa khác.

 

Khuyến cáo phòng chống Tay chân miệng 

 

Hiện nay tình hình bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng do bước vào thời điểm đầu năm học, nguy cơ lây nhiễm ở nơi tập thể, nơi đông người như trường học là rất lớn. Bệnh Tay chân miệng hiện chưa có vắc xin điều trị, nếu trẻ nhỏ bị mắc mà không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy việc dự phòng bệnh là hết sức cần thiết. Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
 Kim Bảo