“COI NGƯỜI BỆNH NHƯ NGƯỜI THÂN THÌ MỚI GẮN BÓ VỚI NGHỀ ĐƯỢC”

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự giản dị, khiêm tốn khi lần đầu tiếp xúc với BS CKII. Chu Thị Trâm Anh – Trưởng khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Nhẹ nhàng, vui vẻ chị kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng gian nan nhưng rất đỗi tươi đẹp của 32 năm mặc  Blouse trắng.

Năm 1985, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, cô sinh viên quê Bắc Ninh về công tác tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng mang theo cả sự hồ hởi, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cuối những năm 80, tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, đầu tư cho y tế còn rất khiêm tốn. Máy móc thiết bị thiếu thốn, không đồng bộ, thêm vào đó thời điểm chị về công tác một số bác sĩ có kinh nghiệm lại chuyển công tác nên chị gần như phải vừa làm vừa tự học hỏi, bản thân chị rất lo lắng và áp lực. Chị kể: “Tôi còn nhớ lúc đó có một ca phẫu thuật u máu lớn vùng hàm mặt, lúc đó phương tiện rất thiếu, chỉ khâu cũng không có hoàn toàn sử dụng chỉ lanh bình thường, làm đến đâu phải thắt đến đấy để tránh chảy máu. Các phương tiện để cầm máu rất thủ công, nguy cơ xảy ra sự cố rất cao. Tuy nhiên lúc đó có BS. Nguyễn Duy Quảng là Phó Giám đốc phụ trách khối ngoại của Bệnh viện đã luôn bên cạnh giúp đỡ, chỉ bảo, hướng dẫn nên tôi tự tin thực hiện cùng anh em kip mổ thực hiện thành công ca phẫu thuật”.

Năm 2013, Khoa Răng – Hàm – Mặt tách ra từ Khoa Liên chuyên khoa trở thành một khoa độc lập và BSCKII. Chu Thị Trâm Anh được phân công làm trưởng khoa. Khoa Răng – Hàm – Mặt hiện nay có 16 nhân lực trong đó có 05 bác sĩ, 20 giường bệnh và 2 phòng khám. Trong quá trình hoạt động khoa cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên bác sĩ Trâm Anh luôn linh động trong việc quản lý điều hành khoa và cùng tập thể cán bộ khoa hoàn thành mọi nhiệm vụ chỉ tiêu được cấp trên giao phó.

Trong quá trình công tác, bác sĩ Trâm Anh được đồng nghiệp kính trọng, bệnh nhân yêu mến.

Chị Nguyễn Thị Hoa 28 tuổi ở xã Vĩnh An, Vĩnh Bảo, mẹ của cháu Phạm Yến Trang 18 tháng tuổi cho chúng tôi biết: con chị bị ngã từ trên ghế xe đạp xuống và bị chấn thương vùng miệng. Gia đình đưa cháu vào khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Trẻ em và đã được bác sĩ Trâm Anh trực tiếp khám và điều trị cho cháu. Đến nay sức khỏe cháu đã ổn định và chuẩn bị được ra viện. Trong những ngày nằm viện chị Hoa rất cảm động trước sự chăm sóc tận tình, hỏi han, động viên kịp thời của bác sĩ Trâm Anh và các y bác sĩ trong khoa. Không chỉ chị Hoa mà rất nhiều người khác khi được hỏi về bác sĩ Trâm Anh mọi người đều dành cho chị những lời khen rất chân thành về y đức của một người thầy thuốc, chúng tôi còn được biết có những gia đình ngỏ ý xin phép được lấy tên bác sĩ Trâm Anh để đặt tên cho con cái của họ. Bác sĩ Trâm Anh tâm sự với chúng tôi: nhìn những cháu bé phải nằm viện, chịu bao đau đớn chị xót xa vô cùng. Đặc biệt với những trường hợp hoàn cảnh khó khăn chị lại càng thương và mong muốn giúp đỡ các cháu bằng tất cả sức lực mình có.

Bằng trình độ chuyên môn vững vàng và tấm lòng nhân ái, BSCKII. Chu Thị Trâm Anh luôn đi đầu trong các hoạt động nhân đạo từ thiện. Nhiều năm qua, bác sĩ Trâm Anh cùng khoa phối hợp với các bệnh viện trong nước và các tổ chức quốc tế: Bệnh viện Nhi đồng II, TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương, Tổ chức Hoa Kỳ, Tổ chức phẫu thuật Nhi khoa quốc tế tiến hành phẫu thuật miễn phí dị tật khe hở môi và vòm miệng cho hàng nghìn cháu, mang lại nụ cười, giúp các cháu hoàn thiện hơn về phát âm và giọng nói.

Ths.BSCKII. Trần Minh Cảnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết: “Bác sĩ Trâm Anh là một bác sĩ có trình độ chuyên môn vững vàng, phong cách làm việc khoa học, là người làm công tác quản lý mẫu mực. Chị đã có những đóng góp cho khoa cũng như bệnh viện và được đồng nghiệp kính trọng tin yêu, bệnh nhân quý mến. Chúng tôi rất trân trọng và đánh giá cao những cống hiến của bác sĩ Trâm Anh đối với khoa cũng như bệnh viện”.

Không chỉ được đánh giá cao về trình độ chuyên môn vững vàng, tận tình chu đáo với bệnh nhân mà bác sĩ Trâm Anh là một tấm gương sáng về lối sống giản dị, mẫu mực cho đồng nghiệp học tập. Bác sĩ  trẻ Trần Thị Loan mới về công tác tại khoa Răng – Hàm – Mặt chia sẻ với chúng tôi: “Em mới về đây công tác 2 năm, dưới sự dìu dắt của bác sĩ Trâm Anh thì em thấy em được rất nhiều thứ. Trước hết là được về kiến thức chuyên môn, với những bác sĩ trẻ như chúng em, bác sĩ Trâm Anh luôn chỉ bảo cặn kẽ, hướng dẫn tận tình. Không chỉ vậy trong cuộc sống, bác sĩ Trâm Anh như một người mẹ chỉ bảo chúng em về cách đối nhân xử thế, cách ứng xử với đồng nghiệp, với bệnh nhân sao cho đúng đắn. Em thực sự rất trân trọng và biết ơn cô, chỉ mong sao cô có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng với chúng em”.

Tuy làm công tác quản lý tại khoa nhưng chị chưa bao giờ để đồng nghiệp cũng như bệnh nhân phàn nàn về thái độ, lối sống. Trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày chị luôn sống mẫu mực để đồng nghiệp đặc biệt là thế hệ trẻ noi theo. Chính sự giản dị, gần gũi và mẫu mực là điều khiến bác sĩ Trâm Anh trở thành điểm sáng của Khoa cũng như của Bệnh viện.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với bác sĩ Trâm Anh diễn ra không quá lâu nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được về một người bác sĩ yêu nghề, trăn trở với nghề. 32 năm cống hiến với bao thăng trầm, bao vất vả nhưng khi được hỏi về bảng thành tích cá nhân thì chị xua tay và nói:“thực sự tôi thấy tôi chưa làm được gì lớn lao để được nhận khen thưởng của cấp trên, còn rất nhiều đồng nghiệp tôi đang ngày đêm vất vả đấu tranh với tử thần để dành sự sống cho bệnh nhân, những gì tôi làm chỉ là một phần rất nhỏ bé, tôi thấy mình cũng chưa xứng đáng để được nêu gương”. Những câu nói rất đỗi chân thành của chị khiến chúng tôi càng thêm trân trọng chị hơn.

Chúng tôi xin mượn lời của chị để kết thúc cho bài viết này. “Những năm tháng ngồi trên giảng đường và những năm làm nghề sau này tôi vẫn nhớ mãi lời dạy của thầy tôi, hãy coi các cháu như con như cháu ruột của mình. Chỉ khi nào các bạn coi bệnh nhân là người thân, là máu mủ của mình thì các bạn mới làm được nghề và gắn bó với nghề”.