MỘT SỐ QUAN NIỆM SAI VỀ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Hiện nay ở Việt Nam, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn ra rất phức tạp. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước ghi nhận 58.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và 17 trường hợp tử vong. Tại Hải Phòng đã ghi nhận 49 trường hợp (có 22 ca dương tính với sốt xuất huyết Dengue) và đã xuất hiện 2 ổ dịch tại địa bàn quận Lê Chân và huyện An Dương. Nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố là rất cao. Bệnh sốt xuất huyết sẽ không phải là bệnh nguy hiểm nếu như được phát hiện và điều trị đúng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân không hiểu đúng về bệnh này dẫn đến khó khăn trong quá trình điều trị của bác sĩ, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh. 

1. Bị sốt xuất huyết một lần sẽ không bị lại

Sốt xuất huyết đúng là bệnh mà khi đã bị rồi sẽ tạo nên miễn dịch suốt đời, ai đã mắc bệnh rồi thì không mắc nữa. Nhưng tại sao vẫn có những trường hợp bị lại? Đó là do virus gây bệnh sốt xuất huyết có đến 4 chủng (D1, D2, D3, D4) nên một khi bạn đã bị sốt xuất huyết rồi bạn vẫn có thể bị bệnh sốt xuất huyết lại bởi các chủng virus sốt xuất huyết khác. Như vậy mỗi người có thể sẽ mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong cả cuộc đời. 

2. Giảm sốt là hết bệnh

Đây là hiểu lầm tai hại mà người nhà bệnh nhân sốt xuất huyết thường mắc phải. Với bệnh sốt xuất huyết, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt trong 3 ngày đầu tiên. Nhưng thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ 4 trở đi. Chính giai đoạn này có thể gây ra tình trạng nặng của bệnh với những biểu hiện như tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam và có thể có cả đi ngoài ra máu và nôn ra máu, nếu không chữa trị kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.

3. Sốt xuất huyết lây qua đường tiếp xúc

Không ít người cho rằng sốt xuất huyết lây bệnh giống như cảm cúm, sốt virus,… dẫn đến sự xa lánh, không chăm sóc tốt cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết không lây trực tiếp bằng con đường hô hấp hay dịch tiết của người bệnh mà nó lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn. Muỗi vằn chích hút máu người mắc bệnh, sau đó chích người lành sẽ làm cho người lành mắc bệnh.

4. Uống thuốc Aspirin khi bị sốt xuất huyết

Đây loại thuốc cấm kỵ đối với bệnh sốt xuất huyết. Lỗi này thường do người nhà bệnh nhân không hiểu rõ và tự ý điều trị vì Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt rất tốt. Nhưng với bệnh này, Aspirin sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể gây nên xuất huyết dạ dày, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắcxin phòng bệnh. Vì vậy, việc hiểu đúng, phát hiện sớm và điều trị bệnh sẽ khỏi.  Chủ động diệt muỗi và phòng muỗi đốt là cách hiệu quả nhất phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. 
Bs. Lan Anh