HỘI CHỨNG TIC Ở TRẺ

Theo khoa Tâm lý lâm sàng – Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, hội chứng Tic là một vận động hay phát âm không chủ ý, xảy ra nhanh, tái diễn, không có nhịp và thường liên quan đến một nhóm cơ nhất định. Tic xuất hiện đột ngột và không có mục đích rõ ràng, không thể kìm nén được.
Hội chứng Tic gồm 2 loại TIC vận động và TIC âm thanh: Tic vận động biểu hiện ở mặt (nháy mắt, nhăn mặt, nhếch mép, lè lưỡi, lắc cằm, cau mày), ở cổ (lắc cổ, quay cổ, gật đầu), ở tay (nhún vai, giơ cánh tay, giơ bàn tay hay ngón tay). Tic âm thanh biểu hiện như ho, hắng giọng, hít, ngáp, hỉ mũi, khịt mũi, tặc lưỡi, gâu gâu, ụt ịt. Tất cả các bệnh nhân này cuối cùng đều có rối loạn Tic phối hợp giữa vận động và âm thanh. 
Hiện khoa học chưa phát hiện được nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng này. Tuy nhiên một số yếu tố có thể tác động khởi phát rối loạn Tic hoặc làm nó nặng hơn như môi trường, áp lực cuộc sống, học tập hoặc áp lực tâm lý từ cha mẹ ảnh hưởng đến trẻ. Rối loạn Tic tuy không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng khiến trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt, quan hệ với bạn bè và gia đình.
Khi trẻ chơi game, sử dụng điện thoại hay xem tivi quá nhiều, mắt và thần kinh luôn trong trạng thái tập trung cao độ dẫn đến căng thẳng, không chỉ làm tăng các tật khúc xạ mà còn là nguyên nhân khởi phát rối loạn Tic. Nếu thấy trẻ có vận động bất thường thì nên đưa đi khám sớm đồng thời giảm áp lực tâm lý cho bệnh nhi. Tic là hội chứng không thể điều trị triệt để, khả năng tái phát rất cao nên cha mẹ cần hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, xem ti vi và cần tạo môi trường lành mạnh về tinh thần và thể chất cho trẻ.

Với những trẻ mắc hội chứng Tic, thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để làm dịu thần kinh của trẻ, một số trường hợp nặng phải điều trị tâm lý kèm theo.

Bác sỹ Lê Tuyến