TẤM GƯƠNG ĐIỀU DƯỠNG HẾT LÒNG VỚI NGHỀ

Hiền lành, chan hòa, chất phác, cẩn thận trong công việc…đó là những nhận xét mà đồng nghiệp dành cho anh Nguyễn Thanh Hoài – Điều dưỡng trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiến An, Hải Phòng.

Khi chúng tôi đặt vấn đề viết về tấm gương của anh thì anh cười và lắc đầu khiêm tốn: “Tôi tuy làm lâu năm trong nghề thật nhưng chưa có thành tích gì lớn lao cả, các bạn trẻ bây giờ rất giỏi, tuy mới vào nghề nhưng đã có những thành tích đáng khích lệ. Hay nhà báo cứ viết về các bạn ấy”. Thuyết phục mãi anh mới từ tốn chia sẻ cho chúng tôi nghe về chặng đường đến với nghề điều dưỡng của mình.

Sinh ra và lớn lên ở xã Cao Minh huyện Vĩnh Bảo, khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Thanh Hoài hay ốm yếu, cậu đi học chậm 1 năm so với các bạn và luôn được các thầy cô giáo đặc biệt quan tâm cả về sức khỏe và kèm cặp cậu học tập. Cũng chính bởi lý do sức khỏe của bản thân nên ngay từ bé cậu đã mơ ước sau này sẽ được học tập và làm việc trong ngành y để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và mọi người. Tuy nhiên ước mơ ấy lại không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Bố của cậu bé Nguyễn Thanh Hoài lại mong muốn con mình trở thành một sĩ quan quân đội. Nhưng ước mơ cháy bỏng đã thôi thúc giúp cậu thuyết phục gia đình và quyết định theo ngành y mặc dù đã có giấy gọi nhập ngũ. Theo học tại Trường Trung cấp Y tế Hải Phòng từ năm 1977 – 1980, sau khi tốt nghiệp, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Hoài lên đường đi bộ đội. Đến tháng 8 năm 1985 chính thức về làm Điều dưỡng trưởng tại Khoa Ngoại – Bệnh viện Đa khoa Kiến An. Năm 1991 chuyển sang làm Điều dưỡng trưởng khoa Lây và đến năm 2001 làm Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh đến nay.

Đặc thù của Khoa Khám bệnh là cửa ngõ của bệnh viện, là nơi đầu tiên tiếp nhận người bệnh chính vì vậy tại đây đòi hỏi người điều dưỡng không chỉ có chuyên môn tốt mà phải có kỹ năng giao tiếp tốt, linh động, khéo léo trong cách ứng xử với bệnh nhân. Trọng trách Điều dưỡng trưởng quán xuyến toàn bộ công tác tổ chức chăm sóc người bệnh tại khoa khiến anh bận rộn hơn. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo khoa, với trình độ và khả năng của mình và bằng tình thương yêu đồng nghiệp, tấm lòng với bệnh nhân, anh sắp xếp, phân công hợp lý anh chị em điều dưỡng làm tốt công việc chuyên môn, từ tiếp nhận quản lý y cụ, thuốc men, trang thiết bị, vật tư tiêu hao của khoa đến chăm sóc người bệnh. Điều dưỡng Phan Thị Phượng cho chúng tôi biết: “Tôi vào làm tại Khoa Khám bệnh được 6 năm, điều mà tôi học được ở chú Hoài là tính cách cẩn thận, chu đáo trong công việc. Chú luôn rất cẩn trọng trong chuyên môn, có những khi gia đình có việc phải nghỉ, mặc dù đã bàn giao công việc cho anh em nhưng chú vẫn không yên tâm, khi sắp xếp được thời gian chú vẫn tranh thủ ghé qua cơ quan xem anh em có vấn đề gì không để kịp thời hỗ trợ, giải quyết”.


Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thanh Hoài trò chuyện với người bệnh

 

Nói về nghề anh cho chúng tôi biết, không riêng gì nghề điều dưỡng mà ngành nghề nào cũng có những đặc thù, vất vả riêng. Khi bản thân đã chọn nghề và theo nghề thì phải yêu nghề, hết lòng với công việc thì mới gắn bó với nghề lâu dài được. Có thể nói ngành điều dưỡng là ngành khá vất vả, phức tạp và đòi hỏi sự hy sinh cao. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thanh Hoài cho biết, những năm 2001 đến 2005 là giai đoạn khá khó khăn và vất vả. Những đêm trực khi đó chỉ có 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng. Có những trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông rất nặng bị chết được người đi đường đưa vào bệnh viện, khi đó anh phải đưa bệnh nhân xuống nhà xác và trực tiếp trông tử thi, cầm tay tử thi đề phòng trong trường hợp tử thi có thể sống lại, y học gọi là chết lâm sàng. Anh nói vui với chúng tôi rằng: “không hiểu sao cứ hôm nào tôi trực là có ca chết phải đưa vào nhà xác, cũng vì thế mà tôi là người đưa người chết vào nhà xác nhiều có tiếng ở bệnh viện này”.

Mặc dù vất vả là thế nhưng điều dưỡng trưởng Nguyễn Thanh Hoài luôn vui vẻ, chan hòa với mọi người, không chỉ đồng nghiệp mà rất nhiều bệnh nhân quý mến anh. Anh kể: “Khi còn làm y tá điều trị ở Khoa lây có những bệnh nhân cứ nhất định phải chú Hoài lấy ven thì mới được. Tôi nhớ có 2 bệnh nhân ở Đồng Thái, An Dương sau khi xuất viện, biết tôi cuối tuần nào cũng về quê nên hái bó hoa thược dược to lắm mang đến bảo chú mang về quê cắm. Có bệnh nhân mượn quần áo bệnh viện khi ra viện mang cả về. Khi đó tôi phải theo địa chỉ đến lấy về cho bệnh viện thì được bệnh nhân giải thích là không phải họ cố tình mang về mà là do không gặp được chú Hoài nên không trả, phải đưa tận tay thì họ mới yên tâm. Khi ra về lại được bệnh nhân hái cho mấy quả cam vườn biếu mang về. Thú thực tôi thấy rất hạnh phúc và sung sướng vì được người bệnh tin yêu, quý mến, đó là động lực vô cùng to lớn để tôi tiếp tục làm nghề”.

Không chỉ là người có chuyên môn vững vàng mà Điều dưỡng Nguyễn Thanh Hoài còn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo. Hơn 30 làm nghề, mặc dù công việc vất vả, phức tạp và khá nhạy cảm nhưng chưa một lần anh khiến đồng nghiệp hay bệnh nhân kêu ca, phàn nàn. Anh luôn được cấp trên đánh giá cao, đồng nghiệp và bệnh nhân tôn trọng, tin tưởng, quý mến. Chị Đoàn Thị Liên – Điều dưỡng Khoa Khám bệnh cho biết: “Anh Hoài là người rất nhiệt tình, có trách nhiệm, nhạy bén, làm việc khoa học, biết thế mạnh của từng người và có sự phân công rất hợp lý. Không chỉ vậy trong cuộc sống hàng ngày anh luôn như người anh, người cha chỉ bảo mọi người cách ứng xử sao cho khéo léo, hài hòa. Anh cũng là người rất khiêm tốn, chan hòa, thật thà. Mỗi khi anh chị em trong khoa gặp khó khăn là anh đều có mặt và giúp anh em vượt qua hết. Chúng tôi rất yêu quý và tôn trọng anh”.

Chú Nguyễn Thanh Long – 64 tuổi ở Phù Liễn, Kiến An là bệnh nhân điều trị ngoại trú tại bệnh viện đã hơn 5 năm nhận xét: Mỗi khi đến viện gặp được anh Hoài là như gặp được người anh, người bạn tốt. Anh ấy rất hiền lành, thật thà, không quan cách hay hách dịch. Với bệnh nhân chúng tôi anh dặn dò chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ về cách uống thuốc và điều trị tại nhà nên tôi thấy rất yên tâm”.

Trong quá trình công tác tại Bệnh viện Đa khoa Kiến An, nhiều năm liền Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thanh Hoài được nhận nhiều giấy khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất mà anh dành được đó chính là tình cảm, sự yêu mến và quý trọng của đồng nghiệp, của bệnh nhân dành cho anh. Sự tận tâm, tận lực, giàu lòng nhân ái của anh đã mang lại niềm tin, nghị lực giúp nhiều bệnh nhân vượt qua sự đau đớn dày vò của bệnh tật. Vì thế, hình ảnh người điều dưỡng trưởng giản dị, hiền lành, chất phác đã trở nên cao đẹp, đáng trân quý hơn. Hy vọng anh sẽ có thêm thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.