TỶ LỆ PHÁT HIỆN NGƯỜI BỊ BỆNH GLOCOM CÒN THẤP

Bệnh Glocom hay còn được gọi là thiên đầu thống được dùng để gọi một nhóm bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường.

Về hình thái lâm sàng bệnh có 2 thể: Glocom góc đóng và Glocom góc mở. Đối với những trường hợp Glocom góc đóng bệnh nhân thường có biểu hiện như: đau nhức nửa đầu và mắt cùng bên, có những người bị nôn mửa, hoảng sợ phải đưa đi cấp cứu, thị lực giảm đột ngột, thường xuyên nhìn thấy quầng xanh, quầng đỏ. Đối với những trường hợp Glocom góc mở thường nguy hiểm hơn vì nó ít có những triệu chứng ban đầu, tuy nhiên khoảng nhìn của người bệnh sẽ dần thu hẹp lại và dẫn tới mù lòa hoàn toàn.

Theo BSCKII. Trần Mạnh Đô – Giám đốc Bệnh viện Mắt Hải Phòng: Hiện nay bệnh Glocom là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 trên thế giới nhưng tỷ lệ phát hiện bệnh rất thấp vì người dân chưa có hiểu biết nhiều về bệnh cũng như ý thức trong việc khám và kiểm tra định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời. Có những trường hợp sau phẫu thuật người bệnh có thể khỏi hoàn toàn nhưng cũng có trường hợp sau vài năm bệnh nhân có thể bị tái phát do đó việc tái khám định kỳ đóng vai trò rất quan trọng.”


Bệnh nhân đang điều trị Glocom tại Bệnh viện Mắt Hải Phòng

 

Hiện nay, trung bình một năm Bệnh viện Mắt Hải Phòng điều trị và phẫu thuật cho trên 1.000 bệnh nhân Glocom. Tuy nhiên số lượng này chỉ chiếm phần nhỏ so với số người thực tế mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở những người có độ tuổi trên 40 và người thân của những người bị bệnh Glocom. Những năm qua, Bệnh viện Mắt cũng có nhiều biện pháp tuyên tuyền dưới nhiều hình thức khác nhau đến người dân đặc biệt những đối tượng có nguy cơ mắc cao về việc cần đi khám định kỳ mắt hàng năm để phát hiện bệnh Glocom. Quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện cũng rất chặt chẽ, đặc biệt với những bệnh nhân trên 40 tuổi khi đến bệnh viện đều được thực hiện các quy trình khám đầy đủ để phát hiện bệnh Glocom cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện cũng đã phát triển một số trang thiết bị hiện đại để phát hiện những tổn hại và đánh giá sớm những tổn hại thị lực như: máy chụp hiện đại đáy mắt để phát hiện những lớp sợi thần kinh bị tổn hại do bệnh Glocom gây nên, và có những phẫu thuật kịp thời đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, đồng thời bệnh viện cũng tổ chức tư vấn cho bệnh nhân về việc theo dõi, điều trị bệnh Glocom, ngay cả những bệnh nhân đã được phẫu thuật cũng được thường xuyên tư vấn, nhắc nhở về việc tái khám đình kỳ.

Do nguyên nhân, cơ chế bệnh vẫn còn chưa rõ ràng nên rất khó khăn trong công tác phòng bệnh. Tuy nhiên theo BSCKII. Trần Mạnh Đô có thể phòng tránh được mù loà do glocom bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên. Vì vậy, khi có những triệu chứng nghi ngờ người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời. Đồng thời, cần khám mắt định kỳ 6 tháng/1 lần để phát hiện sớm bệnh glocom. Với trường hợp đã được phát hiện và điều trị bệnh glocom, bệnh nhân vẫn phải đi khám định kỳ, để các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.