NHỮNG CHÚ Ý SAU KHI TIÊM PHÒNG CHO TRẺ


  • Sau khi tiêm phòng một số loại vắc
    xin, trẻ hay có triệu chứng như: sốt, quấy khóc, sưng đỏ chỗ tiêm… nhưng hiếm
    khi có biến chứng nặng như: sốc, sốt cao, co giật, áp xe vị trí tiêm, nổi mẩn
    toàn thân, nhiễm trùng huyết…

    Để tiện theo dõi sức khỏe của trẻ sau
    tiêm, trước khi cho trẻ đi tiêm các bà mẹ cần nắm rõ tình hình sức khỏe của con
    mình, nếu trẻ đang ốm sốt, đang dùng thuốc hay có vấn đề gì về sức khỏe cần
    khai báo rõ để cán bộ y tế biết. Khi cho trẻ đi tiêm cần giữ ấm, tránh việc trẻ
    bị nhiễm lạnh, nhưng cũng không nên ủ ấm quá mức. Khi tiêm việc giữ trẻ ở tư
    thế đúng, không để trẻ dãy dụa, nếu không cũng dễ khiến việc sát trùng kém hiệu
    quả hoặc vết tiêm dễ tổn thương gây nhiễm trùng hoặc áp xe…

    Sau khi tiêm, nên để trẻ ở cơ sở y tế
    30 phút – 1 tiếng để theo dõi trẻ có những phản ứng bất thường nào không. Khi
    về nhà phụ huynh cần theo dõi những dấu hiệu bất thường: Nếu như trẻ quấy khóc
    nhiều, sốt cao, khó thở, tím tái… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và
    theo dõi.

    Một số vấn đề thông thường hay những
    biểu hiện thường gặp của trẻ xảy ra sau tiêm, phụ huynh không nên lo lắng quá
    mức mà có thể xử lý  theo hướng dẫn: 

    Khi trẻ sốt:
    Sau khi tiêm trẻ có thể bị sốt hoặc không. Tùy theo từng loại vắc xin mà trẻ có
    những phản ứng phụ khác nhau, nhưng chủ yếu là sốt nhẹ. Với vắc xin bạch hầu-ho
    gà-uốn ván, một số trẻ bị sốt đến chiều tối và sẽ hết sốt trong vòng một ngày. Nếu
    trẻ sốt kéo dài hơn 2 ngày thì cần đi khám để tìm nguyên nhân khác.

    Biểu hiện tại chỗ tiêm: sau tiêm thường vị trí tiêm có biểu hiện nóng đỏ, sau 1 ngày
    thường trở lại bình thường. Nếu chỗ tiêm sau vài ngày vẫn sưng đỏ thì khả năng
    trẻ đã bị apxe vị trí tiêm.

    Khi trẻ sốt trên 38 độ hoặc sưng tấy
    chỗ tiêm có thể cho trẻ uống Paracetamol theo liều 10 -15 mg/kg, có thể uống
    hoặc đặt thuốc hậu môn cách nhau 4-6 tiếng một lần và bú mẹ bình thường.

    Đối với vắc xin phòng lao, phản ứng tại
    chỗ tiêm thường xảy ra khoảng 2 tuần sau tiêm. Tại chỗ tiêm xuất hiện nốt sưng
    đỏ, có mủ rồi tự vỡ nên chỉ cần đặt miếng gạc khô lên trên, không cần bôi
    thuốc, vết loét sẽ tự lành. Trường hợp vết loét bị viêm tấy nặng, trẻ sốt, xuất
    hiện hạch ở nách thì đưa trẻ đi khám chuyên khoa ngay.

    Biểu hiện toàn thân: Một vài loại vắc xin sau tiêm xong trẻ có biểu hiện toàn thân ví dụ như
    sau khi tiêm vắc xin sởi, trẻ có thể sốt, nổi ban giống khi mắc bệnh sởi. Hiện
    tượng này cũng sẽ hết trong vòng 3 ngày.

     

    Những phản ứng phụ sau khi tiêm chủng
    nếu khỏi trong khoảng thời gian như đã nêu thì các bà mẹ yên tâm, không nên quá
    lo lắng. Nhưng nếu có bất thường thì nhất thiết phải cho trẻ đến các cơ sở y tế
    để được khám và điều trị kịp thời.