Tại Việt Nam Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/5/2013. Trên thực tế việc triển khai, thực thi Luật hiệu quả chưa cao, nhiều địa phương còn chưa quan tâm, chú trọng đến việc thực hiện.

  • Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Thống kê cho thấy, trong thế kỷ 20, thuốc lá đã giết chết 100 triệu người, và WHO cũng cảnh báo, nếu không thực hiện ngay những biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả, thì số người chết hàng năm do thuốc lá có thể tăng lên hơn 8 triệu vào năm 2030, và thế kỷ 21 số người chết vì thuốc lá sẽ có thể lên tới 1 tỷ người.

    Tại Việt Nam Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/5/2013. Trên thực tế việc triển khai, thực thi Luật hiệu quả chưa cao, nhiều địa phương còn chưa quan tâm, chú trọng đến việc thực hiện. Đặc biệt, nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá còn bị coi nhẹ, mặc dù ai cũng nghe, cũng biết tác hại của việc hút thuốc lá và trên các kênh thông tin đại chúng đã tuyên truyền nhiều về tác hại của hút thuốc lá. Kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS 2015) cho thấy, so với năm 2010, tỉ lệ hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá có khói và không khói) ở cả nam và nữ trong năm 2015 có xu hướng giảm từ 23,8-22,5%. Trong đó, tỉ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 47,4% xuống 45,3%. Đối với sản phẩm thuốc lá điếu, tỉ lệ hút ở cả nam và nữ giảm từ 19,9% xuống 18,2%. Tại khu vực thành thị, tỉ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 47,7% xuống 42,7%. Tỉ lệ hút thuốc lá điếu của cả nam và nữ ở khu vực thành thị giảm từ 22% xuống 18,8%. Tỉ lệ hút thuốc thụ động tuy có giảm rõ rệt tại hầu hết địa điểm công cộng, như: Tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%), trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,3% xuống còn 19,4%), nhưng vẫn còn ở mức cao (tại nhà là 62%, tại nơi làm việc là 42%, trong nhà hàng là 80%). Đây là thành công bước đầu của công tác truyền thông về tác hại thuốc lá (THTL), về các quy định của Luật Phòng chống THTL sau 3 năm Luật phòng chống THTL có hiệu lực. Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới. Nhất là trong khi tỷ lệ hút thuốc ở khu vực  thành thị giảm thì ở khu vực nông thôn lại không thay đổi. Theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết một trong những thành công lớn nhất mà chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được đó là việc chúng ta đã kìm giữ để tỷ lệ sử dụng thuốc lá không tăng. Đây cũng là bài học thành công của nhiều nước trên thế giới. Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá; nhiều cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động hưởng ứng Luật như đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động… Nhiều tỉnh, thành phố đã có những sự kiện nổi bật thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, như sự kiện thể thao không khói thuốc; hoạt động văn hóa văn nghệ không thuốc lá, việc triển khai xây dựng môi trường không khói thuốc lá đã nhận được sự vào cuộc tích cực của tất cả các ngành các cấp. Từ năm 2014 đến nay, tại Hải Phòng, Chương trình PCTHCTL đã nhận được sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị và người dân. Hiện nay, Hải Phòng có hơn 90% cơ quan, đơn vị đã treo lắp các biển cấm hút thuốc; Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá được thành lập từ cấp thành phố xuống tâm xã, phường, thị trấn; Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng chống tác hại của thuốc lá thành phố và quân huyện thường xuyên tiến hành công tác thanh kiểm tra và xử phạt sai phạm; 100% bệnh viện trên địa bàn thành phố cam kết xây dựng môi trường không khói thuốc lá, trong đó có 60% đơn vị thực thi nghiêm quy định này. Theo Tiến sĩ Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng: “Hiện nay, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố đều ký cam kết không hút thuốc lá tại nơi làm việc, nhắc nhở người nhà bệnh nhân không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện”. Hải Phòng là một trong nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai tích cực công tác phòng chống tác hại của thuốc lá theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và bước đầu đã thu được những thành công đáng khích lệ và trở thành một trong các mô hình điểm của cả nước trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

    Tuy nhiên, công tác phòng chống THTL và việc triển khai Luật phòng, chống THTL  vẫn còn nhiều khó khăn. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, gây hại cho sức khỏe con người nhưng thuốc lá vẫn là một sản phẩm tiêu dùng hợp pháp và được bày bán khắp nơi, mọi người đều có thể dễ dàng có thuốc lá hút. Ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc nơi công cộng của nhiều người còn chưa cao; người không hút thuốc cũng chưa dám lên tiếng nhắc nhở hành vi hút thuốc không đúng nơi quy định; công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng chống THTL chưa được thường xuyên. Sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ. Các biện pháp tuyên truyền giáo dục về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người còn chưa thực sự được coi trọng. Từ những thành công cũng như hạn chế nêu trên cho thấy, để triển khai Luật phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống của người dân cần có sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể. Tập trung đẩy mạnh: Việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng chú trọng tới các khu vực trong nhà của nhà hàng, quán bar, quán cà phê; tăng cường các hoạt động truyền thông để duy trì và hướng tới thay đổi hành vi của người hút thuốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định cấm hút thuốc; Tăng cường hỗ trợ cho các địa phương để giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới tại các khu vực nông thôn; Đề xuất Chính phủ và Quốc hội cần đánh giá tác động của việc tăng thuế thuốc lá hiện nay đến tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá và cần có lộ trình tiếp tục tăng thuế đến mức có thể giúp giảm tỷ lệ người hút thuốc, đồng thời cũng giúp tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

    Theo các chuyên gia, việc giữ cho tỷ lệ sử dụng thuốc lá không tăng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để triển khai toàn diện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, hỗ trợ những người cai thuốc bỏ thuốc, và ngăn ngừa thanh thiếu niên không trở thành người hút thuốc, bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng.