BỔ SUNG VI CHẤT DINH DƯỠNG CHO TRẺ NHỎ

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên hiện nay nhiều bà mẹ không hiểu rõ tầm quan trọng của việc bổ sung vi chất dẫn đến nhiều trường hợp trẻ bị thừa hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn BSCKI Nguyễn Thị Thanh Loan – Phụ trách Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

PV: Thưa bác sĩ, vi chất dinh dưỡng(VCDD) gồm những loại nào? Vai trò của từng loại ra sao?

Bác sĩ: (VCDD) là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ (tính bằng miligam hoặc nhỏ hơn) nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong quá trình sinh học của cơ thể. VCDD bao gồm:
• Các loại Vitamin (VTM): A, C, D, E, K, VTM nhóm B (B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12).
• Các chất khoáng chính: Ca, Mg, Clo, Phospho, Kali, Natri.
• Khoáng chất vi lượng: Sắt, Đồng, Kẽm, Iod, Mangan, Crôm, Coban, Selen.
• Các acid amin thiết yếu như: tryptophane, leucine, phenylalanine
• Các acid béo thiết yếu: Omega 3,6,9.
VCDD có vai trò rất quan trọng với sức khỏe của trẻ nhỏ vì:
• VTM A có vai trò quan trọng với mắt, giúp tăng trưởng và tăng sức đề kháng, thiếu VTM A còn gây mất ngon miệng, làm xương mềm và mảnh hơn bình thường…
• VTM D giúp hấp thu canxi và phospho, ngoài ra còn tham gia phát triển hệ sinh sản, da và hệ miễn dịch.
• VTM C có vai trò tạo collagen cần thiết cho việc liền vết thương, phát triển hệ xương và răng, giúp hấp thu sắt và canxi tốt hơn
• VTM B12 quan trọng cho chức năng thần kinh và cho sự hình thành của DNA và tế bào máu, giúp chống thiếu máu và suy nhược.
• VTM B6 giúp chuyển hóa thức ăn, hỗ trợ Hemoglobin, ổn định lượng đường trong máu, thúc đẩy kháng thể chống lại bệnh tật.
• Canxi có chức năng tạo xương và răng, tham gia vào quá trình đông máu, dẫn truyền xung động thần kinh, hấp thu VTM B12, vào quá trình co cơ,…
• Sắt có vai trò vận chuyển và lưu trữ oxy, tạo tế bào hồng cầu,…
• Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym, giúp tăng cảm giác ngon miệng và tác động lên hocmon tăng trưởng, đặc biệt có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch của cơ thể
• Iod tham gia tạo hormon giáp T3 và T4 đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa phát triển cơ thể, cần thiết cho việc phát triển não bộ,…
• Maggie: cơ thể sử dụng Mg trong hơn 300 phản ứng sinh hóa bao gồm cả việc duy trì cơ bắp và chức năng thần kinh, giữ nhịp tim ổn định và xương chắc khỏe…

PV: Thưa bác sĩ, thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ gây những hậu quả gì?

Bác sĩ: Thiếu VCDD gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng với trẻ về cân nặng, chiều cao và sự phát triển trí não dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi, trẻ kém tập trung, tiếp thu chậm, kém linh hoạt, chậm đạt được các mức phát triển về vận động tiêu chuẩn… Trẻ có thể bị:
– Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt
– Còi xương do thiếu VTM D và canxi
– Biếng ăn, sức đề kháng kém do thiếu kẽm
– Rối loạn giấc ngủ (quấy khóc, ngủ không sâu giấc) do thiếu canxi, VTM D hoặc thiếu maggie, kẽm.
– Thiếu VTM A là nguyên nhân chính dẫn đến khô giác mạc…

PV: Vậy khi nào cần bổ sung vi chất dinh dưỡng thưa bác sĩ?

Bác sĩ: Thiếu VCDD thường biểu hiện rất âm thầm, kín đáo nên rất khó phát hiện, nhiều khi bố mẹ nhìn như trẻ vẫn ăn, ngủ, vui chơi và phát triển bình thường nhưng thực ra lại đang thiếu một số VCDD quan trọng. Bố mẹ nên cho trẻ đến các cơ sở y tế khám để làm xét nghiệm phát hiện thiếu VCDD nếu thấy con có một số biểu hiện sau:
– Da nhợt hoặc xanh
– Trẻ có cân nặng hoặc chiều cao thấp hơn mức -1SD trên bảng chuẩn chiều cao cân nặng của WHO
– Trẻ biếng ăn lâu ngày
– Trẻ rối loạn giấc ngủ (quấy khóc, trằn trọc, giật mình)
– Trẻ ra nhiều mồ hôi, rụng tóc
– Chậm mọc răng, chậm phát triển vận động: lẫy, ngồi, bò, đứng, đi
– Chảy máu chân răng, hay ốm vặt.

– Hay mọc mụn nhiệt xung quanh miệng, lưỡi rạn, nứt hình bản đồ…


Nên đưa trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi đi uống Vitamin A để bổ sung vi chất cho trẻ

PV: Vậy những đối tượng như thế nào thì không nên bổ sung vi chất dinh dưỡng?

Bác sĩ: Khi trẻ không có những biểu hiện của thiếu vi chất kể trên thì cha mẹ có thể yên tâm vì trẻ vẫn đang phát triển bình thường, tuy nhiên vẫn cần theo dõi trẻ sát sao và nên cho trẻ đến các cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần.
PV: Vậy thưa bác sĩ, những sai lầm của phụ huynh khi bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ? 
Bác sĩ: Trẻ thừa hoặc thiếu vi chất đều gây hậu quả rất nghiêm trọng nên bố mẹ cần cho trẻ khám chuyên khoa dinh dưỡng trước khi bổ sung vi chất cho trẻ. Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều các loại vitamin, canxi, kẽm, sắt,… đặc biệt là các shop bán hàng ngoại nhập online rất hấp dẫn các bà mẹ trẻ, gia đình không tiếc tiền mua về cho trẻ dùng mà không có chỉ định của bác sĩ rất dễ dẫn đến hậu quả thừa VCDD.
– Quá liều VTM A gây ngộ độc
– VTM C liều cao gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận.
– VTM B (3B) liều cao gây thừa VTM B6 với các biểu hiện rối loạn thần kinh.
– Thừa VTM D và canxi có thể làm tăng mức canxi máu dẫn đến sỏi thận.
– Sắt, kẽm, canxi, phospho,… hấp thu cạnh tranh nhau nên nếu bổ sung thừa một loại sẽ giảm hấp thu những loại còn lại.
Bên cạnh đó, nhiều mẹ thường chú trọng bổ sung các nhóm dưỡng chất chính: đạm, đường, béo và chất xơ mà quên cũng cần bổ sung các vi chất quan trọng để nói không với còi xương, phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ. Một số phụ huynh nhận thức rõ vai trò quan trọng của vi chất dinh dưỡng nhưng lại không biết bổ sung bao nhiêu, lấy từ nguồn thực phẩm nào, chế biến ra sao để bảo toàn hàm lượng vi chất trong thức ăn… dẫn đến trẻ không được đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi.

PV: Hiện nay nhiều bà mẹ trong quá trình chế biến thức ăn đã vô tình làm mất đi dưỡng chất có trong thực phẩm. Bác sĩ có những lưu ý gì đối trong việc chế biến thức ăn cho trẻ

Bác sĩ: VTM là nhóm chất hữu cơ mà cơ thể hầu như không thể tự tổng hợp được mà phải đưa từ ngoài vào qua thực phẩm. Tuy nhiên các loại VTM rất dễ mất đi trong quá trình bảo quản và chế biến, nên phụ huynh cần lưu ý: 
– Thực phẩm tươi sống, chế biến ngay là giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất. Đối với các bà mẹ quá bận rộn không thể mua thực phẩm cho bé hàng ngày cần chú ý đến cách bảo quản: rau, củ, quả, trứng bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh; thịt, cá, hải sản bảo quản trong ngăn đông lạnh; ngũ cốc bảo quản nơi khô thoáng, tránh nấm mốc và không nên xay xát kỹ để tránh mất VTM B1, B6 và acid folic.
– Cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn: rau xanh, củ, quả chín, thịt, cá tôm, trứng, sữa, ngũ cốc,… 
– Khi nấu không nên mở vung hoặc hầm quá lâu, cho quá nhiều nước làm mất vi chất
– Khi nấu cháo bột cho trẻ, rau xanh rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước, không để dập nát, xay, băm hoặc thái nhỏ tùy theo độ tuổi và sau khi thức ăn đã chín mới cho rau vào nấu chin; củ quả có thể ninh cùng cháo.
– Dầu, mỡ nếu rán ở nhiệt độ quá cao, dùng lại nhiều sẽ biến đổi thành chất gây ung thư, mỡ chịu được nhiệt độ cao hơn nên khi rán nên dùng mỡ, xào dùng dầu, đặc biệt dầu oliu chỉ nên dùng cho vào các món salat hoặc cho vào nấu cháo bột cho trẻ.
– Khi nấu xong nên cho trẻ ăn ngay.
Thực phẩm được bảo quản và chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh và đảm bảo không bị hao hụt các chất dinh dưỡng sẽ góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn, giảm tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ.
 
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này!