BỆNH TAY CHÂN MIỆNG Ở TRẺ NHỎ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Bệnh tay chân miệng là một bệnh do vi rút đường tiêu hóa gây nên. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Tính đến hết tháng 6/2018,  Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận 3.874 trường hợp đến khám tay chân miệng trong đó có 1.949 trường hợp nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm 2017 thì số lượng bệnh nhân khám và điều trị tăng 1,5 lần và điều trị nội trú tăng cao hơn 1,25 lần.

Triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38-38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát. 
Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, ở lòng bàn chân, bàn tay, ở mông. Các mụn nước có kích thước nhỏ từ 2 đến 3mm nằm trên một nền niêm mạc toàn thân. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Chúng thường tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự lành kể cả khi không được điều trị. Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua tiếp xúc trong 1 tuần đầu bị bệnh. 
Theo BSCKII. Hoàng Ngọc Anh – Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, bệnh Tay chân miệng chia ra 4 mức độ: độ 1, độ 2 (2a, 2b), độ 3, độ 4. Đa số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khi có biểu hiện của bệnh tay chân miệng độ 1 với dấu hiệu:  nốt phỏng đỏ trong lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối tay, chân hoặc có nốt loét trong miệng… Một số trường hợp có biểu hiện bệnh tay chân miệng độ 2a thường có một trong bảy dấu hiệu sau: sốt trên 390C hoặc trên 38,50C hai ngày liên tục, li bì, ngủ gà, giật mình, run chi, đi loạng choạng, ngồi không vững, nôn ói nhiều, thở nhanh, thở mệt bất th¬ường, yếu liệt chi.
Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố môi trường, sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Hiện nay bệnh tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu mà thuốc điều trị chủ yếu là để hỗ trợ triệu chứng. Vì vậy việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá là hết sức quan trọng.
Theo BSCKII. Hoàng Ngọc Anh – Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: Để dự phòng bệnh Tay chân miệng cho trẻ  cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cách ly trẻ bệnh tại nhà; không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh. 

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu: xuất hiệnnốt phỏng đỏ trong lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối tay, chân hoặc có nốt loét trong miệng có thể trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng, hãy cho trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Hoàng Dương