Ngày 11/10, Đ/c Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Trưởng đoàn công tác của Bộ y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hải Phòng và lãnh đạo các bệnh viện: Việt Tiệp, Trẻ em, Phụ sản Hải Phòng về việc thực hiện Đề án 1816, Bệnh viện vệ tinh và công tác chỉ đạo tuyến.
Đ/c Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Trưởng đoàn công tác của Bộ y tế
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở, ngày 26/5/2008 Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 1816/QĐ – BYT phê duyệt đề án “Cử cán bộ luân phiên chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” và Quyết định 5068/QĐ/2013 ngày 21/12/2012 của Bộ trưởng BYT quy định một số nội dung triển khai thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816 từ năm 2013.
Sau gần 10 năm triển khai Đề án 1816 và Bệnh viện vệ tinh, Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại thành phố đã có sự cải thiện rõ rệt.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng là một trong những bệnh viện đi đầu trong việc thực hiện Đề án 1816. Năm 2014, BV Việt Tiệp đã nhận 14 gói kỹ thuật do bệnh viện hạt nhân chuyển giao theo chuyên ngành và Bệnh viện cũng đã chuyển giao 16 kỹ thuật với nhiều chuyên ngành khác nhau cho các bệnh viện thuộc tuyến quận, huyện của Hải Phòng. Việc chuyển giao này đã giúp bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện được các kỹ thuật cao, phức tạp. Bệnh nhân có thể yên tâm điều trị, tiết kiệm tối đa chi phí.
Cùng với Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cũng là một trong những đơn vị thực hiện rất mạnh Đề án này. Theo báo cáo, 9 tháng năm 2017, Bệnh viện Phụ sản đã tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật siêu âm 5D cho 84 học viên dưới sự hướng dẫn của bác sĩ đến từ Viện trường Rouen – CH Pháp. Bệnh viện cũng đã cử cán bộ luân phiên về bệnh viện huyện để chuyển giao một loạt kỹ thuật như: hồi sức sơ sinh; cấp cứu băng huyết sau đẻ; điều trị sảy thai, dọa đẻ non; kỹ thuật soi, đốt, xoắn cổ tử cung; mổ cắt tử cung bán phần; xuất huyết tử cung do rối loạn TMK; cấp cứu 5 tai biến sản khoa…..
Theo TS.BSCKII Vũ Văn Tâm – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng: Sau một thời gian thực hiện Đề án 1816, tất cả các kỹ thuật cao của bệnh viện đã được triển khai. Các phẫu thuật nội soi cũng được bệnh viện thực hiện rất tốt, hiện nay tỷ lệ nội soi của bệnh viện đạt được trên 60%. Nếu như trước đây siêu âm của bệnh viện còn rất nghèo nàn về kỹ thuật thì đến nay đã có các chuyên gia về siêu âm với trình độ cao do được các giáo sư của Pháp đào tại tại Phụ sản Trung ương. Bệnh viện đã mở được lớp siêu âm nâng cao cho cả vùng.
Đoàn công tác thăm và làm việc tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng
Là bệnh viện hạng I với quy mô 500 giường bệnh kế hoạch, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng có vị trí hết sức quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của trẻ em trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh lân cận. Việc tham gia vào Đề án Bệnh viện vệ tinh đã giúp cho bệnh viện nâng cao được năng lực chuyên môn, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
PGS.TS Bùi Văn Chiến – Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết: Mặc dù năm 2015, Bộ Y tế đã phê duyệt cho Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng là bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Nhi của Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng đến tháng 5 năm 2017, UBND thành phố Hải Phòng mới phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh “Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh trẻ em phát triển bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thành trung tâm nhi khoa khu vực duyên hải Bắc Bộ”. Xác định việc phát triển năng lực, trình độ chuyên môn để đáp ứng tình hình mới là yếu tố tất yếu nên Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện đã quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đi trước đón đầu trong việc tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật cao.
Tháng 4 năm 2012, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng được nhận chuyển giao kỹ thuật mổ tim mở của Bệnh viện Nhi Trung ương. Năm 2015, Bộ Y tế đã công nhận kết quả chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim giai đoạn I giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Từ 2015 đến nay, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chủ động cử các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã hoàn thành đào tạo kỹ thuật phẫu thuật tim giai đoạn I đào tạo tiếp kỹ thuật phẫu thuật tim giai đoạn II tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ năm 2015 -2017 Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã được đào tạo và tiếp nhận chuyển giao các gói kỹ thuật từ Bệnh viện Nhi Trung ương như: can thiệp tim mạch (11 ca), phẫu thuật tim (124 ca trong đó bệnh viện tự chủ phẫu thuật thành công là 63 ca) , phẫu thuật nội soi tiết niệu, phẫu thuật nội soi lồng ngực, phẫu thuật u nang ống mật chủ theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Bên cạnh đó Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cũng thường xuyên cử cán bộ xuống tuyến dưới và mở các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho các bệnh viện quận, huyện, các trung tâm y tế về kiến thức nhi khoa.
TS. Phạm Thu Xanh – Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại Hội nghị
Mặc dù những kết quả đạt được khi tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 là rất lớn tuy nhiên các đơn vị cũng gặp không ít khó khăn. TS. Phạm Thu Xanh – Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: Với quy mô và nguồn nhân lực hiện tại còn thiếu đặc biệt nhân lực bác sĩ do đó khó khăn trong việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số đơn vị cũng đã xuống cấp, chẳng hạn như Bệnh viện Trẻ em sau 40 năm sử dụng rất nhiều trang thiết bị lạc hậu, cơ sở hạ tầng xuống cấp rất cần được đầu tư nâng cấp. Trong Đề án 1816 và Bệnh viện vệ tinh cũng còn có một khó khăn rất lớn đó là nhiều kỹ thuật chuyển giao khi về tới tuyến dưới lại không có bệnh nhân để tiến hành điều trị, dẫn tới việc bác sĩ tuyến quận, huyện được thực hành ít. Vì thế việc thanh lý hợp đồng chuyên môn khá bất cập. Nguồn kinh phí cho Dề án này cũng rất khó khăn. Hiện nay chỉ có Bệnh viện Đa khoa Bạch Long Vỹ được 3 bệnh viện tuyến cuối thành phố (Việt Tiệp, Trẻ em, Phụ sản) luân phiên nhau hỗ trợ 1 bác sĩ tăng cường, mỗi một bác sĩ sẽ luân phiên ra đảo 3 tháng. Tuy nhiên ngoài tiền lương, các bác sĩ tăng cường ra đảo cũng không có thêm khoản hỗ trợ nào. Chính vì vậy việc có những cơ chế, chính sách cho các bác sĩ đi hỗ trợ tuyến dưới là rất cần thiết.
Đ/c Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Trưởng đoàn công tác của Bộ y tế ghi nhận và đánh giá rất cao những cố gắng, nỗ lực của ngành Y tế Hải Phòng trong việc triển khai thực hiện Đề án 1816, Bệnh viện vệ tinh và công tác chỉ đạo tuyến. Chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị, Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh cũng đề nghị với Sở Y tế cũng như các bệnh viện cần kiện toàn lại Ban chỉ đạo Đề án 1816 của Sở và các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Tham mưu thành lập Trung tâm chỉ đạo tuyến tại bệnh viện. Nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế tại các đơn vị tuyến dưới, xem xét cụ thể chi tiết kế hoạch, lựa chọn chuyên ngành, chuyên khoa từng năm để có lộ trình chuyển giao phù hợp. Gắn bó chặt chẽ giữa việc thực hiện đề án 1816 với công tác chỉ đạo chuyên môn giữa các tuyến cơ sở y tế và có tập huấn cho các cán bộ làm công tác liên quan đề chỉ đạo tuyến. Lập kế hoạch kinh phí, quan tâm đến chế độ, chính sách cho cán bộ y tế được cử đi xuống tuyến dưới. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập để có hướng điều chỉnh phù hợp. Cần có tổng kết đánh giá sau 10 năm triển khai thực hiện việc luân chuyển giao kỹ thuật, luân chuyển cán bộ hỗ trợ theo Đề án 1816 để kịp thời rút kinh nghiệm.
Những kiến nghị, đề xuất của Sở Y tế cũng như các bệnh viện sẽ được Đoàn công tác tổng hợp, báo cáo với Bộ Y tế sớm có những điều chỉnh kịp thời.