NÂNG CAO Ý THỨC PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT TRONG CỘNG ĐỒNG

Hiện nay trên cả nước, tình hình mắc sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Theo Bộ Y tế, tính đến hết tháng 6/2017 cả nước ghi nhận 45.074 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD) trên cả nước, trong đó có 13 trường hợp tử vong… Tại Hải Phòng, theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, 6 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố ghi nhận 11 ca SXHD.

Theo Ths.Bs Nguyễn Quang Chính – Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK thành phố: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống xung quanh chúng ta và thường đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa….Hiện nay, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chưa có gì thay đổi so với những năm trước đây. Biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tích cực triển khai công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi, tránh để muỗi đốt. 


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trong thời gian qua, Ngành Y tế thành phố, chính quyền các địa phương cùng người dân đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Sở Y tế Hải Phòng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh, cung cấp trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hóa chất, sẵn sàng tổ chức, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp mắc bệnh tử vong. Các Trung tâm y tế dự phòng đã phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức phun thuốc diệt muỗi, loăng quang – nguồn gây bệnh chủ yếu đối với bệnh xuất huyết tại các khu vực ao, hồ …. Trung tâm y tế dự phòng thành phố  khuyến cáo người dân, nhất là người dân sinh sống tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo sử dụng màn để tránh muỗi đốt. Yêu cầu người dân có biểu hiện bị sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị theo đúng phác đố điều trị bệnh sốt xuất huyết. Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thành phố tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với hình thức đa dạng nhằm nâng cao kiến thức và ý thức của người dân trong việc phòng chống sốt xuất huyết.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được. Vì vậy, công tác phòng bệnh được đặt lên hàng đầu. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết thì không tự ý điều trị tại nhà mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp vì mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng trầm trọng xảy ra.

Linh Hương