BỆNH CÚM A H5N6

Theo Tổ chức Thú y Thế giới, cúm A H5N6 là chủng virus có độc lực cao, dù chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người nhưng việc xuất dịch trên gia cầm cũng làm tăng nguy cơ lây lan virus cúm sang người. Chủng cúm này có thể gây ốm nặng cho người, nhưng chủ yếu nguy hiểm cho một vài nhóm có thể trạng yếu như: người bị hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim, HIV/AIDS, ung thư cũng như người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Hiện tại, ở Hải Phòng đã phát hiện được 2 ổ dịch cúm A/H5N6 tại huyện An Dương tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch ở gia cầm và người.

• Nhận biết cúm gia cầm trên vật nuôi:  Gia cầm chết đột ngột, hàng loạt không có triệu chứng hoặc có một số biểu hiện sau:

– Gia cầm đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất, biếng ăn, ỉa chảy.chảy nước mắt, nước dãi;  khó thở; mào tím tái, phù đầu mặt và có thể có xuất huyết ở những chỗ da không có lông, đặc biệt là chân; 
– Con mái giảm đẻ, đẻ trứng non, vỡ trứng.
– Có thể biểu hiện thể thần kinh như đi vòng quanh, vẹo cổ…

• Triệu chứng ở người bị cúm A H5N6:

Về cơ bản, các triệu chứng của cúm gia cầm gần giống với cúm thông thường (ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, người mệt mỏi, chảy nước mắt, da khô nóng…). Tuy nhiên, điểm khác của cúm gia cầm là các dấu hiệu suy hô hấp rõ rệt hơn (thở khò khè, thở nhanh, môi tím tái…) và tiến triển rất nhanh thành thể bệnh nặng như viêm phổi, suy hô hấp, suy thận hoặc suy cả đa phủ tạng. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.

Để đề phòng cúm gia cầm lây lan sang người và bùng phát trong cộng đồng, Ngành Y tế khuyến cáo, người dân cần tuân thủ các biện pháp sau:

– Thường xuyên vệ sinh môi trường, tẩy uế chuồng trại nuôi gia cầm, phun thuốc Cloramin B xung quanh khu vực nhà ở, thậm chí trong từng gia đình khi có dịch. Đồ dùng cá nhân của người nhiễm cúm gia cầm phải được ngâm dung dịch tẩy trùng 20 phút, sau đó giặt sạch và phơi khô.
– Đến bệnh viện ngay để khám và điều trị khi có các biểu hiện nghi bị bệnh như: sốt cao, đau đầu, đau cơ, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, ho…
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Rửa mặt, mũi, chân tay ít nhất 2-3 lần/ngày. Sử dụng các loại thuốc sát khuẩn đường hô hấp trên để nhỏ mũi và súc họng hàng ngày.
– Ăn uống đảm bảo vệ sinh: không ăn tiết canh hoặc thịt các loại gia cầm ốm, bệnh hoặc nghi mắc bệnh.
– Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh: Khi tiếp xúc với nguồn bệnh, phải trang bị bảo hộ, gồm mặt nạ, áo choàng, găng tay, mũ… sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo ngăn ngừa virus xâm nhập.
Bác sĩ Lê Thị Tuyến