LO NGẠI MẤT AN TOÀN THỰC PHẨM Ở CÁC CHỢ DÂN SINH

Với những ưu thế riêng, chợ dân sinh đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên bên cạnh đó chợ dân sinh cũng là nơi tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại trong đó có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Không mua thực phẩm ở chợ thì mua ở đâu?”
Thống kê sơ bộ, các chợ dân sinh hiện cung cấp khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Chính yếu tố tiện lợi, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân và tự do thỏa thuận về giá cả khiến cho việc kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ dân sinh gặp nhiều khó khăn.
Không khó để thấy tại các chợ dân sinh đặc biệt là chợ cóc, chợ tạm tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang rất phổ biến. Đồ ăn nấu chín không được che đậy, thực phẩm tươi sống bày bán cùng với thực phẩm chín, những thực phẩm (thịt, tôm, cua, cá….) được bày bán ngay dưới nền đất cạnh những cống nước đen ngòm, thậm chí bày bán ngay cạnh bãi rác bốc mùi hôi thối. Đó là chưa kể những thực phẩm bày bán ở đây thường khó kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ. Nếu như hàng hóa trong siêu thị có tem mác, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì ở các chợ dân sinh điều này gần như không có. Mọi người tự do buôn bán sản phẩm của mình, nếu có hỏi rau này ở đâu thì hoặc là rau nhà trồng có mấy mớ mang bán hoặc người bán buôn sẽ nói rau này mang từ quê ra……. Chỉ có những địa chỉ chung chung như vậy chứ không thể biết chính xác nguồn thực phẩm ấy từ đâu. Tuy nhiên, người tiêu dùng có vẻ đã quen với thực tế này vì nếu không vào các chợ dân sinh này thì họ biết mua ở đâu khi mà siêu thị hay những trung tâm thương mại cách đó cả vài chục cây số. 
Chị Nguyễn Thị Minh Phương – Thị trấn Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết: “Cả Hải Phòng mới có vài trung tâm, siêu thị như Big C, Metro, Coop-Mark, chúng tôi ở trong đây đi lại xa xôi, không vào chợ thì mua ở đâu bây giờ. Vả lại đi chợ ở quê thích hơn đi siêu thị. Chợ búa đi lại thuận tiện, mua bán cái gì cũng dễ, thuận mua vừa bán, thậm chí nhỡ có quên tiền còn chịu được”. Khi được hỏi về vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ dân sinh thì chị Phương cũng chia sẻ: “Thực ra, đúng là chợ quê, chợ cóc, chợ tạm cũng mất vệ sinh, hàng hóa sống chín lẫn lộn, ruồi muỗi bay đậu khắp nơi. Nhiều hôm mua mớ rau về ăn xong đau bụng nhưng chả biết bắt đền ai vì ngày mai họ không ngồi đấy nữa. Thế nhưng mà chợ cóc, chợ tạm thì thường gần, đi lại dễ dàng, mua bán cũng thoải mái nên dù có mất vệ sinh thì cũng phải chịu thôi”.
Theo số liệu do Sở Công thương cung cấp, tính đến 15/3/2014, toàn thành phố có 154 chợ trong đó có 06 chợ hạng 1, 14 chợ hạng 2, 122 chợ hạng 3 và 12 chợ tạm. Hệ thống chợ của thành phố Hải Phòng chủ yếu tập trung kinh doanh bán lẻ như hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tươi sống, hàng tiêu dùng … Với một số chợ cũ đã có từ trước và ngay cả các chợ do UBND các cấp ra quyết định thành lập gần đây thì việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật chợ, bố trí không gian kiến trúc, yêu cầu diện tích mặt bằng của hệ thống chợ trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng hết sức đa dạng chưa có sự thống nhất hóa, tiêu chuẩn hóa trong thiết kế cũng như phân chia khu thực phẩm, bố trí nguồn nước, hệ thống cống thoát… 

Trong điều kiện thực tế hiện nay, các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống không được chú trọng đến khâu bao gói, bảo quản sản phẩm trước khi bán hàng và việc sơ chế các sản phẩm này thường diễn ra ngay tại chợ. Do vậy, lượng rác thải hàng ngày ở chợ là khá lớn, lại dễ bị phân hủy làm ảnh hưởng đến môi trường chợ và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm được lưu thông qua chợ. Việc sắp xếp vị trí các khu vực ngành hàng kinh doanh chưa hợp lý, ở nhiều chợ các mặt hàng thực phẩm công nghệ và hàng thực phẩm tươi sống được sắp xếp ngay cạnh nhau gây ra tình trạng ô nhiễm chéo, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng khi đến chợ và thương nhân bán hàng trong chợ. Rất nhiều chợ chưa đảm bảo vệ sinh ngay cả trong khu vực chợ, thậm chí có nhiều nơi chợ đã tồn tại hàng chục năm nhưng vẫn không có khu nhà vệ sinh.


Khó kiểm soát ATTP ở chợ cóc, chợ tạm
Tăng cường đầu tư để nâng cao hiệu quả quản lý
Theo Quyết định 2481/QĐ-UBND thành phố ngày 02/11/2015 về quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng thì các chợ đầu mối giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, còn chợ hạng 2 và hạng 3 giao cho UBND quận, huyện quản lý. Tuy nhiên hiện nay, việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh là rất khó khăn cho các cấp, các ngành. Việc quản lý nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm tại chợ chủ yếu dựa trên hồ sơ nguyên liệu đầu vào chứ chưa kiểm tra được các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cụ thể. Nguyên nhân là do các bộ phận quản lý về ATTP thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh làm cơ sở để thu giữ và xử lý vi phạm. Thông thường các đơn vị sẽ chỉ lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm và chờ kết quả chính thức (thường là dài ngày), khi đó thực phẩm nếu có vi phạm về các chỉ tiêu ATTP thì cũng đã được tiêu thụ ngoài thị trường rồi.
Công tác thanh kiểm tra tại các chợ cũng bộc lộ nhiều bất cập. Mỗi năm chỉ vài ba lần các đoàn kiểm tra liên ngành xuống kiểm tra về vệ sinh ATTP, còn lại chất lượng thực phẩm tươi sống hàng ngày và công tác kiểm soát mặt hàng khô cung cấp ra thị trường như thế nào vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Đấy là chưa kể các đoàn kiểm tra chủ yếu kiểm tra bằng mắt thường, ít khi được máy móc hỗ trợ để kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm.  Người bán cứ tha hồ mang hàng hóa ra bày bán mà không phải quá lo lắng đến vấn đề bị kiểm tra, bị xử phạt. Thực tế hiện nay các ban quản lý chợ cũng khó khăn trong việc xử lý khi phát hiện vi phạm. Nếu có phát hiện thực phẩm không đảm bảo, ban quản lý chợ cũng chỉ có thể lập biên bản rồi giao cho địa phương tiêu hủy và xử phạt hành chính tiểu thương chứ bản thân Ban quản lý chợ không xử lý được. 

Điều kiện hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác kiểm nghiệm ATVSTP còn khó khăn, thiếu thốn. Tình trạng mất an toàn thực phẩm tại các chợ ngày càng có những diễn biến phức tạp. Thiết nghĩ, việc đầu tư hệ thống trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra cũng như tăng cường số lượng, chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo ATVSTP là vô cùng cần thiết; từ đó, từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý về ATVSTP và kịp thời có biện pháp xử lý, cảnh báo cho người dân về nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Hoàng Dương