HỘI THẢO KHOA HỌC VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Sáng 8/9 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Vệ sinh an toàn thực phẩm – thực trạng và giải pháp”. Tham dự hội thảo có TSKH. Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; GS.TS. Phan Thị Kim – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam. Hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu đến từ Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Sở KH&CN;, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hải Phòng, cùng đại diện của các ban ngành có liên quan.

An toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng gây ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Ths.Bs Nguyễn Xuân Chiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hải Phòng cho biết: Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố ước tính có khoảng 23.422 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm các loại bao gồm: 6.853 cơ sở sản xuất, 7.399 cơ sở kinh doanh, 9.170 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, kinh doanh thức ăn đường phố. Theo số liệu của Sở Y tế thành phố, 6 tháng đầu năm 2017, Hải Phòng ghi nhận 3 vụ ngộ độc tập thể không rõ nguyên nhân với tổng số 148 người mắc. Tuy nhiên đây chỉ là thống kê những vụ ngộ độc thực phẩm khi người bị ngộ độc được đưa đến các cơ sở y tế. Những vụ ngộ độc đơn lẻ, người dân tự xử lý hoặc việc các chất độc ngấm dần dần vào cơ thể thì không có thống kê nào có thể cho ra một số liệu chính xác.

TTƯT. BS. Nguyễn Quang Thịnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu – truyền thông tư vấn sức khỏe và phát triển bác sĩ gia đình cho rằng: nguyên nhân chính của thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay là do công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, việc phân công trách nhiệm không rõ ràng gây ra sự chồng chéo, không phù hợp với tình hình thực tế. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của những người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm còn rất hạn chế. Người tiêu dùng thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về thực phẩm bẩn, ham của rẻ, dễ dãi cho qua. Cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và yếu về năng lực, thiếu trách nhiệm thậm chí có trường hợp còn bảo kê, bao che cho thực phẩm bẩn.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm đối phó với mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Luật sư Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội Luật gia TP Hải Phòng cho rằng: Để làm tốt công tác vệ sinh ATTP thực chất phải thực hiện chuỗi liên kết đồng bộ các giải pháp từ nhà sản xuất chế biến, kinh doanh buôn bán đến nhà quản lý và người tiêu dùng.

Theo TS. Nguyễn Quang Chính – Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Hải Phòng. Hiện nay công tác xử lý vi phạm ATTP chưa hiệu quả. Hầu hết các vụ việc vi phạm hiện nay đều do báo chí hoặc người dân phát hiện trong khi đó các cơ quan quản lý nhà nước còn rất thụ động. Bên cạnh đó chế tài xử lý còn quá nhẹ, việc xử lý chưa nghiêm khiến người dân không tuân thủ. Vì vậy TS. Nguyễn Quang Chính cho rằng: Cần thực hiện nghiêm, kiên quyết xử lý hình sự về vi phạm vệ sinh ATTP theo Luật. Người chăn nuôi dùng chất cấm, biết rõ thực phẩm mà vẫn cố tình chế biến, cung cấp ra thị trường sẽ bị phạt từ 50 – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1- 5 năm thậm chí 20 năm. Tăng cường xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức chịu trách nhiệm trong lĩnh vực này. TS. Nguyễn Quang Chính cũng đề nghị cần đầu tư kinh phí, đẩy mạnh hoạt động truyền thông GDSK giúp cộng đồng thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi, duy trì hành vi có lợi cho cộng đồng.
Hội thảo cũng đã ghi nhận rất nhiều những ý kiến đóng góp của các đại biểu xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Kết thúc hội thảo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khẳng định: Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng và cấp thiết hiện nay, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành, địa phương nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Đồng chí cũng nhấn mạnh, bên cạnh nhiều biện pháp đã và đang được thực hiện thì việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và ý thức sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng là điều hết sức cần thiết. Trong đó, cần đẩy mạnh phổ biến các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong cộng đồng nhằm thay đổi hành vi, nhận thức, trách nhiệm đối với người tiêu dùng trên địa bàn thành phố

Phạm Sen