QUY ĐỊNH VỀ XÉT NGHIỆM NỒNG ĐỘ CỒN TRONG MÁU VÀ XỬ PHẠT NGƯỜI VI PHẠM ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG

  • Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người dân trong chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn; từng bước hình thành thói quen “”Đã uống rượu bia – không lái xe” đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Giảm thiểu các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông, giúp giảm số vụ tai nạn giao thông và hậu quả của tai nạn giao thông đem lại.

    Ngày 23/07/2014, Bộ Y tế cùng với Bộ Công an ban hành Thông tư Liên tịch số 26/2014/TTLT/BYT-BCA quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Thông tư liên tịch quy định 4 trường hợp phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu bao gồm:

    1-Người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông;

    2- Người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ tai nạn giao thông;

    3- Người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu sử dụng chất có cồn;

    4- Người điều khiển phương tiện giao thông bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

    Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ phải trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Người phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu thuộc trường hợp 1,2, 4 nêu trên nếu có Bảo hiểm y tế thì Bảo hiểm y tế thanh toán cho phí xét nghiệm theo quy định. Nếu người điều khiển phương tiện giao thông thuộc trường hợp 1, 2 không có thẻ bảo hiểm y tế và người thuộc trường hợp 3 có hoặc không có thẻ bảo hiểm y tế thì cơ quan Công an yêu cầu xét nghiệm sẽ thanh toán chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện hành. Người điều khiển phương tiện giao thông thuộc trường hợp 4 nếu không có thẻ bảo hiểm y tế phải thanh toán chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

    Các cơ sở y tế được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu khi có đủ các điều kiện sau: có khoa xét nghiệm hoặc phòng xét nghiệm hoặc bộ phận xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; có máy sinh hóa xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, thiết bị bảo quản và lưu mẫu máu xét nghiệm; có cán bộ xét nghiệm đã có văn bằng đào tạo hoặc giấy chứng nhận về chuyên ngành xét nghiệm, nắm vững được quy trình xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

    Liên quan đến việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia. Thì tùy theo lượng cồn trong máu mà mức xử phạt nồng độ cồn cũng khác nhau. Do đó khi điều khiển phương tiện mà trong người có nồng độ cồn thì bị xử phạt theo Nghị định 171/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

     Đối với điều khiển xe moto và xe gắn máy:

    – Điểm b khoản 5 điều 6 Nghị định 171/2013/CP quy định: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Ngoài việc phạt tiền người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 01 tháng.

    – Điểm e khoản 6 điều 6 Nghị định 171/2013/CP quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Ngoài việc phạt tiền người bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02 tháng.

     Đối với điều khiển ô tô và các loại xe tương tự:

    – Điểm b khoản 7 điều 5 Nghị định 171/2013/CP quy định: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02 tháng.

    – Điểm a khoản 8 điều 5 Nghị định 171/2013/CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02 tháng.

    – Điểm b khoản 5 điều 5 Nghị định 171/2013/CP quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7, Điểm a Khoản 8 Điều 5 như trên; Ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 01 tháng.

    Do vậy, để giảm thiểu tai nạn giao thông, an toàn cho mình và cộng đồng, không muốn mất tiền xử phạt, tốt nhất “đã uống rượu bia thì không lái xe”, và kiểm soát việc uống rượu bia, tránh lạm dụng và chịu hậu quả do rượu bia đem lại