TỰ CHỦ TÀI CHÍNH – GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM CHỮA BỆNH

Có thể nói việc trao quyền tự chủ cho các bệnh viện được coi là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của bệnh viện. Tại Hải Phòng, ngành Y tế thành phố cũng đang xây dựng đề án mô hình thí điểm tự chủ ở một số bệnh viện. Theo đó từ 1/1/2017 sẽ bắt đầu triển khai thí điểm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Trên địa bàn thành phố hiện nay có 25 bệnh viện công lập, trong đó có 9 bệnh viện tuyến thành phố. Về lộ trình tự chủ, theo chia sẻ của TS. Phạm Thu Xanh – Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng: Thành phố sẽ triển khai từng bước, căn cứ vào phần thu tài chính và chi phí, thành phố sẽ xem xét để bệnh viện nào tự chủ trước. Hiện nay Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã được thành phố phê duyệt cho tự chủ tài chính từ ngày 1/1/2017. Năm 2018 sẽ có thêm 03 bệnh viện tuyến thành phố là: Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Kiến An và Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng sẽ tham gia tự chủ tài chính. Các bệnh viện hạng 2 như: Thủy Nguyên, An Lão, Ngô Quyền, Vĩnh Bảo sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị sẽ tiến hành tự chủ tài chính. Đối với các bệnh viện tuyến thành phố bước đầu sẽ tự chủ chi thường xuyên tiến tới tự chủ cả đầu tư phát triển. Đối với các bệnh viện quận huyện, xác định ít nhất phải từ sau năm 2018 mới có thể tiến tới tự chủ và xem xét chỉ chọn những bệnh viện có khả năng.


 

Trước khi tiến tới tự chủ hoàn toàn thì một số bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có kinh nghiệm trong việc tự chủ một phần. Đây cũng có thể xem là một thuận lợi của ngành y tế thành phố trong lộ trình tiến tới tự chủ tài chính tại các bệnh viện. Ngành Y tế thành phố đã triển khai Nghị định 43 năm 2006 của Chính phủ bằng việc tự chủ một phần vào chi lương. Trong những năm qua, ngành đã tự chủ tiền lương cho 1.719/9000 cán bộ công nhân viên toàn ngành. Ngoài ra một số bệnh viện còn tự chủ trong xây dựng cơ bản. Nhiều bệnh viện đã trích lập quỹ phát triển sự nghiệp để tự nâng cấp, tự mua sắm trang thiết bị theo khả năng của đơn vị mình. Bên cạnh đó hiện nay các bệnh viện tăng cường đầu tư cơ sở vật, nâng cao trình độ khám chữa bệnh của đội ngũ y bác sĩ, thay đổi phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh….Những yếu tố đó góp phần tạo nên những thuận lợi nhất định khi các bệnh viện tiến tới tự chủ tài chính. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì ngành cũng gặp một số khó khăn trong quá trình tự chủ tài chính. Tư duy bao cấp kéo dài, kiến thức về quản lý bệnh viện theo hướng hiện đại còn hạn chế nên một số bệnh viện chưa dễ dàng tiếp cận ngay với vấn đề tự chủ tài chính. Công tác tự chủ tài chính ở các bệnh viện tuyến quận, huyện cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện nay nhiều người dân đang bày tỏ băn khoăn xung quanh vấn đề tự chủ tài chính của bệnh viện trong đó điều mà nhiều người lo lắng là liệu giao quyền tự chủ tài chính cho các bệnh viện thì bệnh nhân có trở thành đối tượng bị tận thu hay không. Trao đổi về vấn đề này TS. Phạm Thu Xanh cho biết: Trong công tác tự chủ tài chính, Chính phủ yêu cầu các đơn vị tự chủ phải tuân thủ tăng giá viện phí theo Luật giá, không được tăng giá tùy ý theo giá thị trường. Bộ Y tế sẽ kiểm soát việc xây dựng giá viện phí, không phải các bệnh viện muốn tăng thế nào thì tăng. Việc tăng giá viện phí theo luật cũng được triển khai có lộ trình. Do vậy, việc tự chủ tài chính của các bệnh viện công không ảnh hưởng đến vấn đề giá viện phí.

Tự chủ tài chính tiến tới cạnh tranh lành mạnh là xu hướng tất yếu. Thời gian qua có sự gia tăng đột biến tỷ lệ khám bệnh ở các phòng khám, bệnh viện tư nhân, có nơi tăng tới 200-300% so với thời gian trước đây. Điều này cho thấy tính cạnh tranh khốc liệt và việc phải “lời ăn lỗ chịu” khiến các bệnh viện tư có nhiều cách thức để thu hút bệnh nhân. Yêu cầu đặt ra hiện nay là các bệnh viện công phải thay đổi tư duy, tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng chuyên môn phục vụ người bệnh một cách tốt nhất để người dân có niềm tin với bệnh viện.