HẢI PHÒNG MITTINH HƯỞNG ỨNG “NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24/3/2019”

Sáng 20/3/2019, Sở Y tế tổ chức Mít tinh hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống Lao 24/3/2019” với chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Tham dự lễ mít tinh có TS.BSCKII Phạm Thu Xanh – Thành ủy viên, Giám đốc Sở y tế, lãnh đạo UBND, HĐND quận Kiến An, lãnh đạo các phòng ban Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị y tế, Ban Giám đốc, lãnh đạo các khoa phòng bệnh viện Lao và Bệnh phổi; cán bộ phụ trách tổ chống lao và kỹ thuật viên xét nghiệm vi trùng lao các quận/huyện.
Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới, bệnh lao vẫn là kẻ giết người nguy hiểm nhất thế giới trong các bệnh truyền nhiễm. Thống kê của Chương trình chống lao quốc gia, hàng năm số người tử vong do mắc lao khoảng 12 nghìn người, 124 nghìn người mắc lao mới. Bệnh lao ở Việt Nam vẫn ở mức cao, đứng thứ 15/30 nước có số người bệnh lao cao nhất thế giới. Sở dĩ bệnh lao và lao kháng thuốc ở nước ta vẫn còn trầm trọng là do tình trạng một số người có dấu hiệu mắc lao không đi khám, phát hiện sớm lao. Người bệnh bỏ điều trị, điều trị không đúng, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, đa số bệnh nhân mắc lao là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, sự hiểu biết về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế. Hải Phòng là một trong những địa phương có nguy cơ lây nhiễm bệnh lao lớn do thành phố có mật độ dân số cao, dân nhập cư đông, số người tiêm chích ma túy cao đồng thời do dịch HIV phát triển làm gia tăng các bệnh cơ hội trong đó có bệnh lao. Việc chẩn đoán quản lý và điều trị lao đồng nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao đa kháng thuốc tại Hải Phòng cao hơn so với trung bình cả nước (ước tính 5% trong tổng số người bệnh lao thu nhận). Mỗi năm Hải Phòng có khoảng 2.000 người mắc bệnh lao mới. Tỷ lệ mắc bệnh ở mức cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thực tế vẫn còn khoảng 20 – 30% số người bệnh trong cộng đồng chưa được phát hiện hoặc phát hiện muộn. Đây chính là nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng.

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của chương trình phòng chống lao quốc gia và của các tổ chức quốc tế, sự quan tâm của thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, sự phối hợp giữa các sở ban ngành, các tổ chức xã hội, hoạt động phòng chống lao tại Hải Phòng đã thu được những kết quả đáng kể. Cụ thể, tổng số bệnh nhân lao ở các thể được phát hiện và quản lý, điều trị là 2.071 bệnh nhân, tỷ lệ điều trị khỏi đạt trên 90%. Tháng 5/2018, Hải Phòng là 1 trong 3 thành phố trên cả nước thực hiện dự án: “Hướng đến thành phố không còn bệnh lao” (viết tắt là ZTV). Dự án được Chương trình phòng, chống lao quốc gia phối hợp với 2 tổ chức Friend For International Tuberculosis Relife (FIT) và Clinton Health Access Initiative (CHAI) triển khai. Mục tiêu chung của Hải Phòng khi tham gia dự ánlà tăng số ca phát hiện, giảm tỷ lệ mất dấu sau chẩn đoán và thiết lập mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện dựa trên tiếp cận chủ động thông qua sự hỗ trợ của cộng đồng và công nghệ tiên tiến. Trong khuôn khổ dự án, bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng đã triển khai khám sàng lọc bệnh lao miễn phí cho 18.000 người dân tại 47 phường thuộc 4 quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An, qua đó phát hiện gần 200 người mắc bệnh lao. Các trường hợp được phát hiện mắc lao đều được đưa vào theo dõi và điều trị theo phác đồ chuẩn quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống lao của thành phố vẫn còn gặp không ít những khó khăn, thách thức như: cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống lao ở các tuyến còn thiếu; hoạt động phối hợp trong các đơn vị y tế huyện chưa được đồng bộ; công tác kiểm tra, giám sát còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn mặc cảm với bệnh lao. Vấn đề lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc diễn biến phức tạp làm cho khó khăn trong việc điều trị. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Người bệnh lao trong các khu vực khép kín (trại giam, Trung tâm GDLĐXH) mãn hạn ra ngoài cộng đồng chưa được tiếp nhận và quản lý đầy đủ. Sự đầu tư của nhà nước còn hạn chế, tài trợ của nước ngoài dần bớt đi do vậy thiếu nguồn lực để thực hiện các hoạt động chống lao.

Phát biểu tại lễ mít tinh, TS.BSCKII Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban thường trực Chương trình chống lao thành phố kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động chống bệnh lao, tuyên truyền cho mọi người biết về sự nguy hại của bệnh lao, giảm mặc cảm, kỳ thị;t iếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao; đặc biệt bệnh lao ở trẻ em, lao kháng đa thuốc, lao/HIV. Cộng đồng cùng tham gia, hướng tới mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn bệnh lao”. Ngành y tế tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bệnh lao trong cộng đồng; củng cố mạng lưới chống lao từ thành phố đến cơ sở, nâng cao hệ thống xét nghiệm của các tuyến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phát hiện và quản lý, điều trị bệnh nhân. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát công tác điều trị lao ở các tuyến, huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng cùng tham gia phòng chống lao.

Sau mít tinh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi phối hợp cùng Trung tâm truyền thông GDSK thành phố tổ chức diễu hành hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống bệnh lao 24/3” trên các trục đường chính của thành phố.

Cũng trong dịp này, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương tặng giấy khen cho 04 tập thể và 07 cá nhân; Sở Y tế Hải Phòng tặng giấy khen cho 13 tập thể và 04 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác chống lao năm 2018.

Đức Lợi