HỘI NGHỊ TẬP HUẤN LUẬT TỐ CÁO NĂM 2018

Sáng 30/5, thực hiện kế hoạch số 111/KH-SYT của Sở Y tế, Sở Y tế phối hợp với Thanh tra thành phố tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Tố cáo năm 2018, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác tiếp dân tại các đơn vị y tế. Tới dự hội nghị có PGĐ Sở Y tế Phạm Quang Ngọc; Đ/c Đoàn Ngọc Thưởng – Phó trưởng phòng 5, Thanh tra Thành phố, Báo cáo viên pháp luật của thành phố.

Tại hội nghị, báo cáo viên đã giới thiệu tới cán bộ ngành y tế Luật Tố cáo năm 2018, tập trung vào các nội dung: về thẩm quyền giải quyết tố cáo, về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, về bảo vệ người tố cáo.

Trong những năm qua, Luật Tố cáo năm 2011 đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước.Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy Luật Tố cáo năm 2011 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập: Về thẩm quyền giải quyết tố cáo; về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo; về bảo vệ người tố cáo dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỷ cương pháp luật, vì vậy cần phải xây dựng Luật Tố cáo mới nhằm khắc phục tình trạng đó.

Luật Tố cáo năm 2018 thay thế Luật Tố cáo năm 2011, Luật gồm 9 chương với 67 điều có nội dung và phạm vi điều chỉnh hợp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật Tố cáo trong hệ thống pháp luật, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi đã được Quốc hội khóa 14 Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.Đây là Luật Tố cáo mới và đã được Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019  quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
Qua trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, Báo cáo viên đã chỉ ra những tồn tại và cách khắc phục của các đơn vị khi giải quyết đơn thư tố cáo như: trong tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo, thẩm quyền, trình tự giải quyết đơn thư tố cáo; đặc biệt là thực hiện việc bảo vệ người tố cáo, tránh dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, nghi ngờ trong cơ quan đơn vị.
Sau hội nghị tập huấn, các cán bộ chủ chốt về đơn vị tổ chức tuyên truyền, phố biến Luật Tố cáo năm 2018 tới cán bộ, công chức, viên chức đơn vị mình để mọi người biết và chấp hành tốt chức trách nhiệm vụ, không vi phạm pháp luật trong thời gian công tác. Vì Luật này quy định kể cả cán bộ công chức, viên chức đã về hưu hoặc chuyển công tác khác mà bị tố cáo vi phạm pháp luật vẫn bị xem xét xử lý theo pháp luật.
Minh Hiếu