Trẻ em được xác định từ 0- 14 tuổi là đối tượng dễ nhiễm và mắc lao, nhất là ở các nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao như Việt Nam. Theo thống kê của Chương trình chống lao quốc gia, số trẻ bị mắc lao ước tính chiếm khoảng 10% trong tổng số người bệnh lao. Tuy nhiên việc phát hiện bệnh lao ở trẻ em còn rất thấp.
Trẻ em có thể bị mắc tất cả các thể lao, tuy nhiên, thường gặp hơn cả là 4 thể: Lao sơ nhiễm hay lao khởi đầu; lao cấp tính như lao màng não và lao kê; lao hô hấp sau sơ nhiễm như lao phổi và lao màng phổi; lao ngoài phổi: có nhiều loại như lao hạch, lao xương khớp, lao cột sống, lao màng bụng, màng tim, lao niệu – sinh dục, lao ruột…Nguyên nhân khiến trẻ em dễ bị nhiễm Lao là do trẻ em sống trong gia đình có người mắc lao phổi (trẻ tiếp xúc với nguồn lây), trẻ em không được tiêm phòng lao bằng BCG vacxin, trẻ em bị suy dinh dưỡng, nhiễm HIV.
Vi khuẩn Lao lây qua đường hô hấp
Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai các hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề về lao trẻ em. Tuy nhiên, công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị còn gặp nhiều khó khăn do người dân còn hạn chế tiếp cận tới các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế về bệnh lao. Chẩn đoán lao trẻ em chủ yếu được thực hiện tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Phòng. Các ca lao trẻ em thường bị bỏ sót hoặc không phát hiện được tại các cơ sở y tế ngoài chương trình chống lao và y tế cơ sở. Số trẻ nhiễm lao được điều trị dự phòng thấp do thiếu sàng lọc trẻ tiếp xúc với nguồn lây. Năm 2017, tỉ lệ lao trẻ em được phát hiện ở Hải Phòng chỉ đạt 3,0 % trong tổng số người bệnh lao thu nhận và được cho là thấp so với ước tính số lao trẻ em có trong cộng đồng. Trẻ tiếp xúc với nguồn lây đi khám sàng lọc lao không cao (46%).
Theo BSCK II Đặng Hùng Cường – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hải Phòng: đối với những trẻ có tiếp xúc với nguồn lây nhưng được chuẩn đoán chưa mắc thì sẽ được điều trị dự phòng. Đối với những trẻ được chuẩn đoán mắc lao thì sẽ được điều trị sơ nhiễm. Hiện tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hải Phòng đã triển khai thực hiện xét nghiệm Quanti FERON (QFT) trong tháng 3/2018, đây là xét nghiệm máu để xác định bệnh nhân có nhiễm lao tiềm ẩn không.
Để giảm tỷ lệ lao trẻ em, BSCK II Đặng Hùng Cường cho rằng cần kiểm soát tốt nguồn lây bằng cách phát hiện sớm, quản lý lây nhiễm và điều trị dứt điểm bệnh lao ở người lớn. Khi trẻ em có biểu hiện sốt, ho kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần, trẻ thiếu cân hoặc giảm cân, ra mồ hôi đêm, nổi hạch bất thường cần được đi khám ngay tại các cơ sở y tế. Trẻ em từ 0 – 14 tuổi trong các gia đình có người bệnh lao cần được khám sàng lọc lao bởi vì nếu các cháu bị nhiễm lao không được điều trị dự phòng rất có thể sẽ phát triển thành bệnh lao. Các cháu bị mắc lao sơ nhiễm không được điều trị sớm có thể trở nên nặng nề như lao màng não, lao cột sống, lao kê đe dọa đến tính mạng hoặc mang di chứng suốt đời.
Kim Bảo