HỘI NGHỊ GIAO BAN CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG GDSK QUÝ III NĂM 2016

  • Vừa qua, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thành phố tổ chức Hội nghị Giao ban công tác truyền thông giáo dục sức khỏe quý III năm 2016 và tổng kết 5 năm chương trình truyền hình “Thầy thuốc gia đình”. Đến dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Tiến Sơn – Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, đồng chí Hoàng Văn Kể- Chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Vi – Chủ tịch Hội Y dược học thành phố. Cùng dự có đại diện các phòng y tế, trung tâm y tế các quận huyện, các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

    Hiện nay nhu cầu cung cấp thông tin, phổ biến đường lối, chính sách về y tế ngày càng cao, yêu cầu kịp thời và đầy đủ. Truyền thông giáo dục sức khỏe được coi là giải pháp cơ bản nhất giúp người dân phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe. Mô hình bệnh tật phức tạp, đan xen bệnh truyền  nhiễm và không lây nhiễm, xuất hiện nhiều bệnh mới nổi và bệnh cũ tái nổi…do đó đòi hỏi công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phải đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, đảm bảo khoa học, đại chúng để mọi người dễ tiếp nhận và thực hiện.


     

    Thời gian qua, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đã hoạt động tích cực từ thành phố tới tuyến cơ sở. Các nội dung tuyên truyền đa dạng bám sát chủ đề với hình thức truyền thông phong phú. Kênh truyền thông trực tiếp được tích cực áp dụng như: tư vấn, thăm hộ gia đình, truyền thông lồng ghép, hội thảo, tọa đàm…Truyền thông gián tiếp ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi của người dân như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, pano, áp phích, băng rôn, điện thoại, dịch vụ SMS…..Hoạt động giám sát truyền thông cũng đã được triển khai hiệu quả. Kết quả giám sát tại trung tâm y tế các quận cho thấy hầu hết các đơn vị đảm bảo trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông theo Quyết định 2420/QĐ-BYT. Các đơn vị cơ sở cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các ban ngành chức năng để tuyên truyền giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.

    Bên cạnh những hoạt động đã đạt được, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cũng gặp nhiều khó khăn. Nhân lực làm truyền thông giáo dục sức khỏe còn mỏng về số lượng và yếu về chất lượng. Tỷ trọng cán bộ làm truyền thông ở mức thấp: tuyến thành phố chỉ có 2,5%, tuyến quận huyện là 3,4%, tuyến xã, phường là 50,1%. Các cán bộ truyền thông ở các đơn vị y tế dự phòng tuyến huyện trở xuống hầu hết là kiêm nhiệm nên không thông thạo kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe. Đội ngũ nhân viên y tế tại các thôn bản khá đầy đủ nhưng chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, các trang thiết bị, phương tiện truyền thông cơ bản còn thiếu. Kinh phí phục vụ cho hoạt động truyền thông rất thấp, chưa đạt mức 1,5 – 2% tổng chi ngân sách cho y tế. Nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe hiện nay là từ các chương trình mục tiêu y tế và từ sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe hiện nay.

    Trong 3 tháng cuối năm, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố sẽ tiếp tục tập trung bám sát kế hoạch đã được Bộ Y tế, Sở Y tế phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị làm tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ. Chỉ đạo, giám sát hoạt động phòng truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm y tế quận huyện, Trạm y tế.

    Cũng tại Hội nghị giao ban, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thành phố phối hợp với Trung tâm Thầy thuốc gia đình tổ chức kỷ niệm 5 năm ngày phát sóng chuyên mục “Thầy thuốc gia đình”.


     

    Khởi quay ngày 1/9/2011, phát sóng số đầu tiên ngày 5/9/2011, đến nay Chuyên mục “Thầy thuốc gia đình” đã tròn 5 tuổi. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trải qua 5 năm lên sóng, chương trình đã đạt được nhiều thành công và trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khán giả xem truyền hình.

    Đến nay đã có 1578 chuyên mục được phát sóng, số lần phát sóng trên Đài PT-TH Hải Phòng là 2928 lượt. Chuyên mục đã trả lời 218 câu hỏi của bạn xem truyền hình từ 18 tỉnh thành trong cả nước (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ…). Xây dựng 320 chuyên mục về phòng chống bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, tiểu đường, ung thư; 286 chuyên mục về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm: lao, sởi, rubella, sốt xuất huyết, tay chân miệng, vi rút zika….;126 chuyên mục về chương trình tiêm chủng mở rộng; 168 chuyên mục về dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống suy dinh dưỡng, dự phòng và điều trị các bệnh thường gặp; 38 chuyên mục sức khỏe người cao tuổi; 24 chuyên mục về cách sử dụng thuốc đông y và tây y tại cộng đồng…..

    Mặc dù hoạt động trong điều kiện không có kinh phí, nhưng suốt 5 năm qua, đội ngũ những người thực hiện chương trình vẫn miệt mài làm việc hết mình, tất cả vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe và bảo vệ nhân dân. Thành công của chuyên mục là sự chia sẻ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đài PT-TH Hải Phòng, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe. Có thể thấy rằng, việc duy trì đảm bảo chuyên mục được phát sóng định kỳ, đều đặn đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và y học dự phòng, mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng.